Câu thần chú Án Ma Ni Bát Mê Hồng có tiếng Phạn là “Om Mani Padme Hum”, theo âm Hán-Việt còn được đọc là “Úm ma ni bát ni hồng”. Đây là thần chú cầu Phật Mẫu Quán Thế Âm, người đời thường sử dụng cho việc phá bùa mê hoặc để cầu Mẫu tới cứu độ.
Video Trì Chú “Om Mani Padme Hum”
Công dụng là như vậy, còn nghĩa ẩn bên trong câu chú này là gì? Mời độc giả cùng lắng nghe Đức Phật giải mã để xem những ẩn ý mà bề trên đã để lại.
Trích Lời Đức Phật Trong Bài Pháp Giải Ẩn Om Mani Padme Hum
Khi chúng ta niệm câu thần chú này, bề trên sẽ tới và xem xét việc: có nên hay không nên gia hộ? Nếu thấy chúng sanh đã nỗ lực, cố gắng rèn luyện nhưng gặp khó khăn và khúc mắc thì các Ngài sẽ gợi ý, chỉ điểm để giúp khai thông. Trường hợp thấy chúng sanh không có sự nỗ lực mà chỉ hướng đến cầu xin thì các vị sẽ không giúp.
Còn muốn biết về nghĩa ẩn trong câu thần chú này, hãy xem Ta phân tích từng câu chữ thông qua ngôn ngữ Đà La Ni, để hiểu ẩn ý của Phật Mẫu khi để lại câu chú này.
- Án → Án, Bán
- Ma Ni → Mâu Ni
- Bát → Bát dùng để ăn, vận
- Hồng → Hồng trần: những thứ thuộc về thế gian mà không do sức mình làm ra.
Trong câu chú này, Phật Mẫu có hàm ý nói về hiện trạng của Đạo Phật trên toàn thế giới. Ẩn ý rằng: Sau này, trong Đạo Phật sẽ có hiện tượng ngồi mát mà ăn bát vàng, ăn những vật thực từ chốn hồng trần, mê đắm những thứ của thế gian mà không phải do bản thân mình làm ra.
Muốn hiểu được ẩn ý của Phật Mẫu, chúng ta cần biết đến bình bát mà Đức Phật đã sử dụng khi đi khất thực. Đó không phải là hình ảnh đi ăn xin mà là hình ảnh đi hóa duyên. Việc tạo duyên này để người đời thấy hình ảnh về vị chân tu giúp người ta biết đến mà tu theo, và giúp lưu lại hình ảnh đó trong A-lại-da thức để kiếp sau họ còn tu theo.
Nhưng cái “bát” trong câu chú này là hình ảnh “cầm bát đi ăn xin”, chứ không phải là đi hóa duyên như lời Phật dạy.
- Án Ma Ni → Bán Mâu Ni: Ý rằng Đạo Phật chỉ còn một nửa, cũng có nghĩa là bán Đạo Phật.
Cái này ngầm ý nói về hiện tượng tranh giành đệ tử, xây cất chùa nhiều cho mục đích mê những thứ hồng trần. Bởi mục đích của họ được bắt nguồn từ việc lợi dụng lòng dân vốn rất tôn kính Phật. Để hiểu thêm về hiện tượng này, chúng ta có thể nghiên cứu thêm về thời kỳ Mạt pháp trong Kinh Pháp Diệt Tận.
Từ “Án” ở đây còn có nghĩa là án ngữ. Mẫu khuyên người đời hãy Án – tức là chặn hiện tượng đó lại để giữ đúng hình ảnh “Bình Bát” mà Đức Phật đã sử dụng. Có thể chặn lại bằng cách khi mình đi khất thực hãy để tùy duyên nhận đồ của chúng sanh, “có” cũng được mà “không có” cũng được thì mới đúng ý của Đức Phật.
Hãy nhớ đến hình ảnh cái bình bát của Đức Phật. Khi mình tùy duyên hưởng, thì hiểu là không mê hồng trần. Nhưng khi khởi tâm lợi dụng hình ảnh Phật để kiếm tiền, đó là đang mê hồng trần.
Ví như việc các thầy giảng pháp và tùy duyên nhận lại những giá trị, thì điều đó phù hợp với giáo lý. Bởi đó cũng đến từ công sức lao động của các Thầy.
Luận Bàn Về Ẩn Ý Của Bề Trên
Sau khi nghe Đức Phật giải mã từng câu chữ, chúng ta nhận ra rằng: Bề trên đang nhắc về thời kỳ Mạt pháp của đạo Phật. Trong thời kỳ này, có hiện tượng một số người xấu lợi dụng đạo Phật để kiếm tiền, khiến cho đạo Phật chỉ còn một nửa.
Vậy nên, người dân cần tỉnh táo để phân biệt đâu là Phật, đâu là ma. Nếu đó là ma thì chúng ta không nên theo cúng dường. Còn những ai đang lợi dụng hình ảnh của đạo Phật để kiếm lợi, hãy nghe lời của Mẫu mà “án, chặn” hành động đó lại, đừng tạo tác nghiệp xấu và kịp sám hối để nhận được ân xá trước khi hội Long Hoa diễn ra.
Có nên duy trì tụng niệm chú “Om Mani Padme Hum”?
Có. sau khi biết được ẩn ý bên trong của câu chú, chúng ta vẫn cứ duy trì việc tụng niệm bình thường, bởi thần chú được ban ra với công năng trợ duyên cho người tu.
Tuy nhiên, chúng ta hãy cân đối giữa đạo và đời, đừng để bản thân bị mê lầm. Thay vì quá tập trung vào trì tụng các loại thần chú, người tu nên dành thời gian học tập nghiên cứu để khai trí. Xử lý tốt các nghịch duyên trong đời, quản trị được tham sân si của bản thân, thực hành tốt Bát chánh đạo, trong tâm luôn có Phật pháp, đó chính là cách để rèn luyện tâm tánh và khai trí cho người tu.
Tất cả các chúng sanh đều nằm trong chương trình giáo hóa cho mục tiêu thành Phật nên chúng ta phải bồi đắp đủ tất cả các mặt của cuộc sống. Việc trì tụng để cầu xin không phải cách để bồi đắp!
Xem thêm các bài giải ẩn thần chú khác: